5 tiêu chí chọn giày chạy bộ đúng chuẩn

Runner cần chọn giày phù hợp với mình dựa trên các yếu tố địa hình tập luyện, kích cỡ bàn chân, lớp bảo vệ, khả năng chống sốc…

Nhiều năm qua, giày chạy bộ đã phát triển thêm nhiều kiểu dáng gọn nhẹ, có đệm, độ bám chắc chắn, thích hợp cả những địa hình hiểm trở nhất. Tuy nhiên, sự đa dạng này cũng khiến runner dễ gặp lúng túng khi tìm giày chạy thích hợp. Trang Podium Runner đưa ra một vài tiêu chí, hướng dẫn runner chọn giày hợp nhu cầu và đặc điểm cơ thể.

1. Cung đường tập luyện

Trước hết, runner cần xem xét loại địa hình thường xuyên chạy nhất, từ đó thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Dựa trên bề mặt tiếp đất, giày chạy bộ được phân loại thành 4 nhóm:

Giày dành cho đường bằng, giống thiết bị chạy thông thường, nhưng tăng cường vân cho phần đế ngoài để hỗ trợ ma sát.

Nhóm thứ hai dùng cho mọi cung đường, tuy nhiên không quá ưu việt với riêng bề mặt nào.

Nhóm giày kỹ thuật với đế ngoài bằng cao su có độ dính, phù hợp với địa hình gồ ghề.

Cuối cùng là thiết kế dành cho đường thường ẩm ướt, dễ trơn trượt với đế sâu, độ chìm lún đất cao hơn.

2. Kích cỡ và kiểu dáng

Phụ kiện đúng kích cỡ, hình dáng chân đóng vai trò quan trọng cho tư thế chạy, tránh chấn thương. Runner có thể kiểm tra giày vừa size dựa vào vị trí của ngón chân, nếu chúng chạm vào phần phía trước giày, cho thấy thiết bị khít với chiều dài chân bạn.

Ngoài ra, mỗi người có lòng bàn chân uốn cong, tiếp đất lệch trái hoặc phải khác nhau, nên thử thực tế ở cửa hàng để chọn được mẫu vừa vặn nhất.

3. Lực kéo

Loại rãnh hoặc cao su ở đế ngoài quyết định lực kéo của phụ kiện. Thiết bị với các rãnh sâu trên 5 mm hợp địa hình ẩm ướt hoặc đất mềm. Trong khi rãnh nông dưới 4 mm, phân tán thưa lại có lợi cho kỹ thuật chạy trên cung đường bằng.

Bện cạnh đó, đế bọc cao su carbon rubber và cao su thổi… khá nhẹ, linh hoạt, phổ biến với runner chạy đường bằng nhưng trơn với đường nhiều đá, bất kể khô hay ướt. Còn đế ngoài cao su dính phù hợp với đường trơn, nhưng nặng nề hơn khi di chuyển.

4. Lớp đệm

Phụ kiện có đệm dày thường tạo sự thoải mái, êm dịu khi chạy. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là khiến runner mất khả năng cảm nhận bề mặt, khó xác định cách bàn chân tiếp đất. Ngược lại giày đệm mỏng tăng sự nhanh nhẹn trên địa hình gồ ghề, nhưng gặp nhiều đau đớn từ tác động của mặt đường.

Runner cũng nên cân nhắc phần đệm xung quanh cổ chân và lưỡi gà của giày. Đệm cổ chân bảo vệ bạn khỏi các áp lực nhưng giảm kết nối bàn chân với giày. Phần lưỡi gà dày hoặc cổ giày cao dạng boots có thể giữ đất sỏi không văng vào bên trong lại thường gây bí…

5. Khả năng bảo vệ chân

Các đôi giày có lót đế, mũi giày… được thiết kế cẩn thận, dày dặn nhằm bảo vệ bàn chân tránh chấn thương do địa hình không bằng phẳng. Các vật sắc nhọn có thể đâm qua lớp đế ngoài và đế giữa, có thêm tấm lót sẽ ngăn cản tác động lên lòng bàn chân.

Một số hãng còn thiết kế tấm lót có thể tháo rời, giúp runner chèn dưới chân khi gặp đường chạy xấu. Ở mũi giày, phần đệm gia cố thêm nhằm hỗ trợ ngón chân không bị đau. Hai bên phụ kiện lót nhựa TPU mỏng để chống mài mòn và các vật cản như đá nhọn, xương rồng, gai… Ngoài ra, một số phụ kiện có lớp lót không thấm nước, tuy nhiên khiến giày nặng và cứng hơn.

Tuệ Khương

0972 588 588
Thông tin liên hệ
Văn phòng: 979B Kha Vạn Cân, Phường Linh Tây, Quận Thủ Đức, TP. HCM
Nhà máy: Ấp 3, Xã Phú Lý, Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai
nambinh.digital@gmail.com
https://nambinh.com.vn/
MST: 3700799305